Văn hóa “nhậu” trong công sở Nhật Bản
on November 25th, 2016
Tại Nhật Bản, ăn uống với đồng nghiệp là một việc rất thường xuyên, thậm chí nó trở thành một yêu cầu ngầm tại một số công ty. Rất nhiều người Nhật coi những buổi “nhậu” sau giờ làm là một cách thiết yếu để tăng cường các mối quan hệ.
Sự ra đời của hoạt động này chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa “tuyển dụng trọn đời” của Nhật Bản, nơi mà xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp là rất quan trọng vì có thể sẽ phải dành tới bốn mươi năm cuộc đời cùng với họ. Hoạt động này phổ biến tới nỗi, người Nhật đã đặt cho nó một tên riêng là “nominication” (kết hợp giữa “nomu” – nghĩa là uống – và communication” – nghĩa là giao tiếp).
Tại sao lại xuất hiện văn hoá này?
Tại một công ty Nhật truyền thống, mọi khía cạnh trong công việc đều được “đóng khung” nghiêm ngặt. Mọi người ngồi yên từ lúc bắt đầu giờ làm, bữa trưa chỉ kéo dài đúng một tiếng đồng hồ. Việc nói chuyện với đồng nghiệp bị coi là “shigo” (nói chuyện riêng) và bị hạn chế ở mức tối đa. Do đó, phần lớn các nhân viên công sở Nhật Bản không có nhiều cơ hội để xây dựng những mối quan hệ thân thiết và riêng tư tại nơi làm việc. Do đó, hoạt động này được đưa ra ngoài văn phòng để không gây ảnh hưởng đến khoảng thời gian cống hiến cho công ty.
Thông thường, sếp sẽ là người mời cấp dưới đi ăn. Lời mời thường xuất phát từ ý định tốt là để tạo cơ hội cho cấp dưới được bày tỏ nếu đang gặp khó khăn trong công việc. Nhiều khi các cấp dưới chấp nhận lời mời chỉ vì đây là dịp họ được ăn uống miễn phí ở những nơi họ không thể tự chi trả được. Theo thời gian, ở Nhật Bản đã hình thành câu nói “Nếu muốn thăng tiến thì phải nhậu” như một lẽ hiển nhiên cho sự nghiệp. Đây là cách những thế hệ trước đây xây dựng mối quan hệ và xem đây là phương pháp bình thường để làm ăn.
Những thay đổi gần đây
Văn hóa và cuộc sống công sở đã thay đổi rất nhiều trong những thập kỉ gần đây. Môi trường làm việc dần linh hoạt hơn, hiện tượng nhảy việc trở nên thường xuyên và dễ dàng hơn đối với người lao động. Nếu người nhân viên cảm thấy môi trường ở công ty này không phù hợp thì nhảy việc là một trong những lựa chọn của họ. Do đó, việc xây dựng những mối quan hệ kéo dài trọn đời không còn quá quan trọng nữa. Đa số những người trẻ bắt đầu sự nghiệp trong môi trường làm việc tự do thường dành ít thời gian hơn cho đồng nghiệp và tập trung hơn cho cuộc sống riêng và những mối quan hệ ngoài công việc.
Ý kiến của người trong cuộc
Rất nhiều người từng trải nghiệp văn hóa “nhậu” với đồng nghiệp cũng đồng ý rằng họ được lợi từ khoảng thời gian họ bỏ ra. Họ cảm thấy dễ nói chuyện với sếp hơn trong không khí thoải mái ngoài công việc. Mối quan hệ với các đồng nghiệp cũng gần gũi hơn, một số trở nên thân thiết hơn cả quan hệ đồng nghiệp hay bạn bè bình thường. “Nhậu” đưa họ đến gần nhau hơn, thậm chí những người may mắn còn có thể tìm được bạn đời của mình.
Lời kết
Nếu bạn chưa bao giờ tham gia những bữa tiệc này thì hãy thử một lần nhé. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi nhận ra một số đồng nghiệp và thậm chí cả sếp có thể vui tính đến mức nào khi bước ra khỏi công sở đấy!
Theo Gaijinpot
-
Chương trình Student Office Tour 2017 dành cho sinh viên
(on May 7th, 2016)
-
【Thông báo nghỉ Tết】
(on February 12th, 2015)
-
【★Việc làm tốt từ TEMP Việt Nam★】
(on June 23rd, 2014)
-
【Thông báo nghỉ Tết】
(on January 21st, 2014)
- Chương trình Student Office Tour 2017 dành cho sinh viên (on May 7th, 2016)
- 【Thông báo nghỉ Tết】 (on February 12th, 2015)
- 【★Việc làm tốt từ TEMP Việt Nam★】 (on June 23rd, 2014)
- 【Thông báo nghỉ Tết】 (on January 21st, 2014)